Người “khai sinh” cá trê Phú Quốc


Thật không quá lời khi nói Thạc sỹ Đặng Khánh Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Kiên Giang là người “khai sinh” cá trê Phú Quốc được thế giới công nhận có tên khoa học Clarias gracilentus Ng, Dang & Nguyen, 2011. Chính sự phát hiện và dày công nghiên cứu này, chị Hồng vừa được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen Phụ nữ sáng tạo năm 2011.

Thạc sỹ Đặng Khánh Hồng nói: Trong nhiều lần ra công tác ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), tình cờ chị phát hiện một loài “cá lạ” có hình dáng giống cá trê vàng, trê trắng, cá ngát nhưng thân có dạng hình ống giống cá chình. Hỏi cư dân xứ đảo, người này gọi “cá chình suối”, người kia nói “cá trê Phú Quốc”, thịt rất thơm ngon, thuộc loại quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng, vì họ ít khi bắt được cá. Hơn nữa, không phải người dân Phú Quốc nào cũng đều biết cá chình suối hoặc được thưởng thức hương vị của nó.
Cá trê Phú Quốc. Ảnh minh họa.

Làm gì để bảo tồn, khôi phục loài cá quý hiếm này trước nguy cơ mất đi, đồng thời phát triển nó trở thành một đặc sản của đảo Phú Quốc là những trăn trở, suy nghĩ trong tâm trí chị Hồng. Sau một thời gian ấp ủ, đắn đo, thạc sỹ Đặng Khánh Hồng mạnh dạn viết đề cương và được Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Kiên Giang hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, thử nghiệm sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá trê suối ở đảo Phú Quốc”. Sau 3 năm miệt mài nghiên cứu, tháng 10/2011, đề tài báo cáo nghiệm thu và thành công vượt ngoài sự mong đợi của thạc sỹ Đặng Khánh Hồng.

Chị Hồng cho biết: Đây là loài cá mới ở Việt Nam, phát hiện trên đảo Phú Quốc được định danh có tên khoa học và thế giới công nhận năm 2011. Cá trê suối Phú Quốc, Clarias gracilentus Ng, Dang & Nguyen, 2011 là loài cá mà theo những tài liệu hiện có chỉ được tìm thấy ở đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; đây là loài cá đặc sản nằm trong khu dự trữ sinh quyển. Cá trê Phú Quốc giống với các loài C. nieuhofii, C. pseudonieuhofii và C. nigricans, nhưng có thể phân biệt với các loài kể trên về các chỉ tiêu hình thái ở đặc điểm các vây lưng, vây đuôi và vây hậu môn không dính liền nhau, thân dài hình ống; cá có cơ quan hô hấp phụ là cơ quan hoa khế nên có thể sống trong môi trường thiếu ô xy.

Để triển khai thực hiện đề tài, thạc sỹ Đặng Khánh Hồng mời thạc sỹ Nguyễn Văn Tư, Phó trưởng Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh cùng phối hợp nghiên cứu và sử dụng tên “Cá trê Phú Quốc” thay cho tên cá chình suối mà cư dân nơi hòn đảo này đã gọi. Qúa trình nghiên cứu nhận thấy cá trê Phú Quốc không giống với các loài cá trê thông thường ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á, nhóm nghiên cứu trao đổi với tiến sĩ Heok Hee Ng, một nhà ngư loại học ở Viện bảo tàng Raffles, Đại học quốc gia Singapore là tác giả của nhiều công trình về các loài cá trê mới của Châu Á và được ông đề nghị công bố cá trê Phú Quốc là loài chưa được mô tả của thế giới. Nhóm nghiên cứu gửi mẫu cá trê Phú Quốc đến Viện bảo tàng Raffles và mời tiến sĩ Heok Hee Ng cùng tham gia công bố đây là loài mới của thế giới. 

Chị Hồng cho biết: Nhóm nghiên cứu thống nhất đặt tên cá trê Phú Quốc là Clarias gracilentus. “Gracilentus” theo tiếng Latinh có nghĩa là mảnh mai. Sau khi một bài báo khoa học về cá trê Phú Quốc đăng trên tạp chí chuyên ngành Zootaxa, cá trê Phú Quốc đã chính thức có tên khoa học Clarias gracilentus Ng, Dang & Nguyen, 2011. Đây là loài thuộc lớp cá xương: Osteichthyes; bộ cá nheo: Siluriformes; họ cá trê: Clariidae; giống cá trê: Clarias Scopoli 1777. Chị Hồng cho biết thêm, trong quá trình nghiên cứu thực hiện đề tài đã được nghe nhiều câu chuyện kỳ thú về loài cá chình suối do một số người lớn tuổi ở đảo Phú Quốc kể lại đều khẳng định loài cá này rất quý, tinh khôn, hung dữ và đặc biệt có sức sống mạnh mẽ. Họ kể rằng, khi cư dân đánh bắt được cá to, dài khoảng 80 cm, không thể dùng hết một lần thì họ cắt khúc đuôi ăn trước, với phần đầu còn lại, cá vẫn sống 7 - 10 ngày. 

Tháng 7/2009, nhóm nghiên cứu tiến hành nhiều thực nghiệm kích thích cá sinh sản, ương nuôi cá giống và đến tháng 8 - 9/2011 đã cho sinh sản hàng loạt cá trê Phú Quốc bố mẹ, đồng thời kết hợp triển khai nhiều mô hình trình diễn nuôi cá thương phẩm tại đảo này. Hiện nay, chị Hồng đang ương đàn cá giống đầu tay hơn 7.000 con để cung cấp cho người nuôi ở đảo Phú Quốc, đồng thời đã nuôi 4 bể cá thương phẩm (diện tích 100 m²/bể), với mật độ 500 con/bể, tỷ lệ sống trên 80%. Sau 12 tháng nuôi cá cho thu hoạch 2 - 3 con/kg, trừ chi phí đầu tư sản xuất lợi nhuận 5 - 10 triệu đồng/bể. 

Kết quả nuôi cá thương phẩm cho thấy cá trê Phú Quốc tăng trưởng và phát triển tốt với thức ăn viên công nghiệp, các mô hình trình diễn đều đạt năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, dễ nuôi. Chị Hồng khẳng định: Nếu đầu tư nuôi 200 bể cá, sau một năm sẽ thu lãi 1 - 2 tỷ đồng, vừa tận dụng thời gian nông nhàn, tạo việc làm cho người dân, nhất là phụ nữ trên đảo Phú Quốc, vừa bảo tồn được loài cá quý hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng, cung cấp món ăn đặc sản cho khách du lịch. 

Hiện nay, ngoài việc nhân rộng mô hình nuôi cá trê Phú Quốc thương phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường trong nông dân, chị Hồng tiếp tục nghiên cứu thực hiện nhiều dự án đề tài khác giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả kinh tế. Cụ thể là “Nuôi cua biển và tôm trong rừng phòng hộ” ở 2 huyện An Biên, An Minh; “Nâng cao năng lực nông hộ nghèo từ phát triển nuôi bò” ở xã Minh Hòa (Châu Thành); “Nuôi bò để cải thiện sinh kế cho hộ nghèo” ở 2 xã Định An và Vĩnh Hòa Hưng Nam (Gò Quao)… 

Chia sẻ với mọi người bằng lòng yêu nghề và yêu người, chị Hồng bộc bạch: Tôi xuất thân từ gia đình nông dân nên thấu hiểu nỗi vất vả của nông dân. Thương nông dân nghèo quần quật trên đồng ruộng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để làm ra hạt lúa, củ khoai, con tôm, con cá… nhưng ít người giàu lên được, gặp khi mùa màng thất bát, thiên tai xảy ra thì trắng tay. Vì lẽ đó, tôi cố gắng nghiên cứu để tìm ra những mô hình kinh tế có hiệu quả, bền vững để góp phần giúp nông dân sản xuất đạt kết quả lợi nhuận cao, vươn lên làm giàu chính đáng./. 

Lê Huy Hải

Add a comment

0 nhận xét:


☺ Các bạn có thể viết lời bình của mình cho bài viết, và tuân thủ một số quy tắc sau:
» Các bài comment phải nghiêm túc, không dung tục, không spam.
» Bạn có thể nhận xét ẩn danh (Anonymous), hoặc bằng tài khoảng gmail để mọi người trong lớp có thể dễ dàng trả lời comment của bạn khi cần.
» Có ý kiến gì cứ nói thẳng, không xuyên tạc lẫn nhau, làm mất tình cảm bạn bè.

» Nội dụng comment của bạn phải trong sáng lành mạnh, không mang tính chất khiêu dâm.


CH NTTS16.

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Powered by Blogger